Recent Trend

Bên đời ta còn ai đó lạc loài...

0
0
Trong mọi người đều có một con quỷ đang say ngủ, người tốt là người sẽ không đánh thức con quỷ, trong bản thân anh ta hay trong người khác.
(Mary Renault)

Một người bạn lâu ngày đến nhà tôi, thấy để trong phòng đọc sách một bức tượng nhỏ có ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng, cứ trầm ngâm nhìn mãi. Trước khi ra về, như không kìm lòng được, anh chỉ bức tượng và nói bâng quơ: “Sống vậy cũng hay nhỉ, không cần thấy những điều chướng mắt, không cần nghe những điều chướng tai, chẳng cần ý kiến ý cò chi cho mệt. Mình sống yên phận mình thôi”…
Tôi mỉm cười, với tay lấy bức tượng xuống cho anh xem và giải thích rằng đó là quà tặng của một người bạn Nhật, trong dịp ông ghé nhà tôi và nghỉ lại vài hôm. Tự tay đặt món quà lên kệ sách, ông kể rằng người Nhật có câu châm ngôn “Mi-zaru, kika-zaru, iwa-zaru” nghĩa là “không thấy, không nghe, không nói”. Vì từ “zaru” gần âm với “saru” nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý này. Hình tượng đó được không ít người suy ra rằng hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì đang xảy ra xung quanh. Nhưng theo ông điều mà bức tượng muốn nhắc nhở chính là “đừng nhìn bậy, đừng nói bậy, đừng nghe bậy”… Và hình ảnh đó quen thuộc với rất nhiều nền văn hoá, chứ không chỉ ở Nhật Bản.
Nhưng điều tôi muốn kể không phải là về bức tượng đó, mà là về bạn tôi. Sau khi nghe tôi giải thích, anh đột nhiên ngồi xuống và tâm sự nhiều điều. Anh cần chia sẻ, cần một ý kiến, một lời động viên…Anh cần một người có thể lắng nghe anh bộc lộ sự tức giận và phẫn nộ. Nhưng tại sao mãi đến lúc đó anh mới nói? Thật ngạc nhiên khi tôi biết được, rằng anh đã nghĩ tôi đặt bức tượng ấy trên kệ sách hẳn có lý do. Như thể nó biểu thị cho một cách sống mà tôi muốn hướng tới, gạt bỏ mọi phiền nhiễu và chỉ tìm bình an cho riêng mình. Nếu đúng như vậy, anh đã ôm mối oán hận của mình ra về. Và có thể, với tính nóng nảy của mình, anh sẽ phải “đánh “ai đó” một trận cho hả giận”…
Tôi đã ngồi một mình rất lâu sau khi tiễn bạn ra cửa, và nhận ra một điều, đôi khi chúng ta chỉ cách nhau có một bức tượng nhỏ xíu, hay một câu nói bâng quơ.
Có những lúc ta nhìn cuộc sống đang diễn ra và cảm nhận nỗi sợ hãi lớn dần lên trong mình. Sợ hãi những gì ta không thể lường được, sợ hãi trước cái ác, những thủ đoạn mưu mô… Đôi khi ta thấy nó không chỉ ở xa xôi đâu đó trên mặt báo, mà gần mình đến nỗi có thể gây nên những thiệt hại, mất mát và tổn thương hiển hiện về thể xác hay tinh thần. Những lúc ấy, càng ở một mình chúng ta càng hoang mang. Chỉ khi tìm đến ai đó, trò chuyện, giãi bày, tâm sự, an ủi…chỉ khi ngồi bên nhau, chúng ta mới thấy mình đủ mạnh để tự vệ trước cái xấu.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không thể ngồi bên nhau?
Có một điều tôi rút ra được từ những cuốn truyện trinh thám, đó là nạn nhân thường là những người đơn độc, những người bị ngăn cách với người khác đôi khi bằng một bức tượng nhỏ xíu, hay một câu nói bâng quơ…Và vì thế, họ không thể chia sẻ những bí mật, những sai lầm, những nghi ngờ, sự giận dữ hay nỗi lo âu. Và trong cuộc đời thực cũng vậy, nạn nhân thường là những người đơn độc. Bởi vậy, đừng bao giờ trở thành một người đơn độc, hay để người khác trở thành đơn độc. Chúng ta có nguy cơ trở thành nạn nhân khi rời nhau ra, khi bị xé lẻ. Chúng ta đã đọc truyện bó đũa từ thời thơ bé, nhưng chúng ta cứ quên nó hoài. Là người tốt, không đủ. Là người lương thiện, không đủ. Để tự vệ trước cái ác chúng ta cần sức mạnh của số đông.
Thỉnh thoảng, chúng ta lại bật ngửa khi nhận ra rằng “người tưởng như thế đó mà lại làm ra chuyện thế này ư ?” Chúng ta bất ngờ khi một cô bạn vốn vui vẻ thân thiện ngày xưa bỗng một hôm ra tay xé áo đánh người như trong phim xã hội đen vậy. Chúng ta bất ngờ khi một người vốn hiền lành bỗng dưng có hành động bạo lực. Nhưng có thật người ta biến đổi bất ngờ đến vậy không?
Câu trả lời là không, chẳng có ai ngủ một đêm thức dậy bỗng hoá ra độc ác, hay ưa bạo lực, hay trở thành kẻ xấu. Luôn luôn có một quá trình. Luôn luôn có những biểu hiện trong quá trình đó dù rất nhỏ. Điều đáng buồn là dường như chúng ta luôn tặc lưỡi lướt qua những điều rất nhỏ. Và rồi, những điều tồi tệ diễn ra là bởi chúng ta đã bỏ qua những điều rất nhỏ đó. Những điều tốt nho nhỏ chúng ta đã không làm, như một cái mỉm cười, một lời thăm hỏi quan tâm, một sự giúp đỡ… Và những điều xấu nho nhỏ chúng ta đã làm, như một lời xúc xiểm bâng quơ, một ánh nhìn khinh rẻ tình cờ…Sẽ rất tai hại nếu chúng ta quên rằng một lời nói tử tế chân thành có thể xoa dịu và níu giữ con người với cái thiện, cũng như chỉ một lời rẻ rúng cũng có thể gây tổn thương sâu sắc và đánh thức con quỷ ngủ say…
Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng phạt nó thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, đó là đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Đừng bỏ rơi, đừng ép uổng, đừng khinh khi. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương. Đừng dồn ai vào đường cùng…
Tôi không dám nói rằng cái thiện luôn mạnh hơn cái ác. Tôi không biết chắc. Đôi khi tôi nhìn thấy cái thiện bị đánh nốc ao trên sàn đấu trong cuộc chiến đơn độc. Nhưng tại sao chúng ta lại để nó trở thành cuộc chiến đơn độc? Tôi biết chúng ta đông hơn. Những người mong muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống này, luôn luôn đông hơn. Vậy thì hãy làm cho chúng ta mạnh hơn. Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại…Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy xiết chặt lại những mối dây liên hệ và đừng để ai thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài, thường dễ trở thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân.
Thế cho nên, giữa cuộc sống bộn bề đôi khi cũng cần nhìn lại, để tự hỏi lòng xem, phải chăng ngay bên cạnh đời ta vẫn còn có ai đó lạc loài?

Khi ta để lạc mất nhau rồi.

0
0

Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp
Khi thanh âm cũng bất lực như lời
(Khúc mùa thu – Hồng Thanh Quang)


Tôi biết chuyện của cô một cách tình cờ. Mẹ cô là bạn thân của dì tôi, vẫn còn thảng thốt khi kể lại chuyện cô con gái 19 tuổi vừa được cứu sống sau khi cắt cổ tay tự tử vì thất tình. Mối tình kéo dài từ năm lớp mười cho đến khi cô vào đại học. Trước khi đi du học, bạn trai cô hứa hẹn rất nhiều, kể cả chuyện sẽ kiếm học bổng để đưa cô theo… Nhưng chưa đầy một năm, anh đã công khai sống chung với một cô gái khác bên xứ người, và đề nghị chia tay cô qua email.
Mẹ cô tìm cách an ủi: “Nó như vậy là không xứng với con, đừng tiếc làm gì”. Cô chỉ cười lớn: “Có gì đâu! Ba đồng một mớ đàn ông mà mẹ, con không quan tâm đến ảnh nữa”. Vậy nên bà cứ đinh ninh là cô đã nguôi ngoai rồi. Ai ngờ cô “nói một đằng nghĩ một nẻo”, lòng vẫn ấp ủ thương nhớ, căm hận, đến nỗi cắt cổ tay. May mà gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời.
Mẹ cô chảy nước mắt khi tâm sự. “Tính nó là vậy, có gì buồn thường không nói ra, chỉ giấu trong lòng, còn mặt ngoài cứ cười hơ hớ. Lúc nó nhỏ tui luôn nhớ đến điều đó, mà sao bây giờ nó lớn tui lại quên. Nó nói “có gì đâu” là tui cho qua liền. Cái nhạy cảm của người làm mẹ như tui để đâu rồi không biết nữa”
Đó là một lời tự trách. Nhưng tôi nghe như một câu hỏi vậy.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng những đứa trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được những cảm xúc của người khác. Hẳn nhiên, trước tiên là cảm xúc của mẹ chúng. Nếu người mẹ vui sướng hạnh phúc, đứa trẻ sẽ tỏ vẻ mãn nguyện, ngủ ngoan, hay cười. Nhưng nếu người mẹ lo lắng, buồn phiền, đau khổ hoặc không muốn có con thì đứa trẻ sẽ phản ứng theo cách khác. Nó bú ít, khó ngủ, quấy khóc nhiều, cáu bẳn, đau bụng… Mặc dù người mẹ không hề tỏ ra điều gì khác thường khi chăm sóc bé.

Thật lạ lùng phải không? Dường như chúng ta được sinh ra đời cùng với một món quà vô giá, đó là sự thấu cảm bẩm sinh. Và rồi món quà ấy mai một dần theo thời gian. Hay chính ta đã vứt bỏ nó đi trong hành trình sống của mình?
Như Daniel Goleman, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng Trí tuệ cảm xúc và Trí tuệ xã hội đã nhắc chúng ta rằng, sự thấu cảm là một phần của trí tuệ xã hội. Và chúng ta đang đánh mất nó. Chúng ta tưởng mình đang được kết nối, khi friendlist trong Facebook của ta dài ra từng ngày. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta đang mất dần kết nối với nhau. Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí cả người xa lạ, trong khi vô tình thờ ơ với người thân thuộc đang ở ngay bên cạnh mình. Mạng lưới rộng đến nỗi một đứt gãy nhỏ bên cạnh làm ta không để tâm. Nhưng chính những đứt gãy nhỏ kề cận, chứ không phải những đứt gãy rời rạc ở xa, mới làm ta trở thành một tinh cầu cô độc.
Có vẻ như càng ngày chúng ta càng phải dựa dẫm quá nhiều vào ngôn ngữ, để có thể hiểu nhau. Khi hỏi thăm một ai đó: “Mọi chuyện sao rồi?” và câu trả lời : “Cám ơn. Vẫn tốt” làm chúng ta dễ dàng hài lòng đến nỗi chúng ta bỏ qua những gì có thể nằm sau những câu nói. Sự mệt mỏi nơi khoé môi. Nét buồn trong ánh mắt. Sự nhạy cảm, hay đúng hơn, khả năng thấu cảm của chúng ta giờ đây giống như chiếc ăngten bị bỏ quên. Nó vẫn ở đó nhưng không ai dùng nó để bắt sóng nữa.
Chúng ta dựa vào từ ngữ nhiều đến nỗi, khi ai đó nói rằng chúng ta không hiểu gì về họ cả, chúng ta sẽ trả lời rất nhanh: “Bạn không nói làm sao tôi hiểu được” như thể việc chúng ta không hiểu hoàn toàn là lỗi của họ.
Sách vở thường viết rằng, hai thế hệ rất khó hiểu nhau, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, đàn ông và phụ nữ không hiểu nhau. Vì chúng ta bày tỏ theo những kiểu khác nhau, chúng ta diễn giải sự việc theo cách khác nhau, chúng ta dùng từ ngữ với những ý nghĩa khác nhau.
Tôi tự hỏi, có phải ta đã chấp nhận những lý lẽ ấy như sự biện hộ cho chính mình. Và quên rằng vẫn còn có một cách khác để hiểu. Rằng sự giao tiếp thực sự giữa con người với nhau có thể vượt qua ngôn ngữ. Đó là cách mà những người yêu thương nhau thường dùng, khi họ thực sự yêu thương.

Yêu và biết cách yêu là hai điều khác nhau, phải vậy không
Ta luôn có thể yêu cho bản thân mình, bằng cách nào cũng được, nói hay không nói, chia sẻ hay không, nhưng để yêu cho người khác thì phải biết cách yêu – tức là biết cách bắt sóng cảm xúc của người ấy để vuốt ve yêu thương chia sẻ với chính những cảm xúc thường tìm cách lẩn trốn ấy. Đó là khi ta giao tiếp không phải để bày tỏ chính mình mà là để thấu hiểu người ấy. Nói hay thinh lặng không phải để mở cửa tâm hồn chính mình, mà tìm đường vào tâm hồn người ta yêu. Đó là khi ta lắng nghe, không chỉ những lời nói, mà lắng nghe một làn sóng, một tín hiệu vô thanh. Những tín hiệu yếu ớt của cảm xúc.
Cũng Daniel Goleman, trong một bài phỏng vấn đã nói đại ý rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mài giũa trí tuệ xã hội của ta, lấy lại khả năng thấu cảm, bằng một cách đơn giản: hãy chuyển sự chú ý của ta sang người ta yêu. Ngay khi ta thực sự chú ý đến họ, ta sẽ ngay lập tức bắt được trường cảm xúc của người ấy. Phía sau lời nói, phía sau biểu hiện, thậm chí phía sau sự yên lặng.
Phải vậy không em, đôi khi ta chỉ cần trở lại ngồi yên bên nhau là đủ. Đủ để hiểu.
Như ngày xưa, khi ta khởi đầu yêu.

Chúng ta thường khởi đầu một tình yêu với một người khi nhận ra rằng ta và người ấy có thể hiểu nhau mà không cần nói. Những xung động buổi ban đầu trong tim ta thường không phải là ngôn từ. Chỉ cần nhìn vào mắt nhau, hay thậm chí chỉ cần ở bên nhau trong cùng một bầu không khí, dường như ta đã hiểu nhau. Và khi mối tình trở nên bền chặt hơn, ta tự hào vì người kia chưa nói hết ý mà người này đã hiểu: tình cảm, nhu cầu chia sẻ, nỗi buồn, niềm vui, sự lo âu… Chiếc ăngten thấu cảm trong ta thật nhạy.
Nhưng rồi, thời gian qua, đến lúc nào đó bỗng dưng ta nhận ra người này đang trách người kia rằng nếu không nói ra làm sao hiểu được. Có lẽ từ khi đó tình yêu đã bước qua một khúc quanh.
Và cuối cùng, khi nói bao nhiêu cũng không hiểu. Càng nói càng không hiểu nhau…
Đó là khi ta nhận ra ngôn từ chưa bao giờ là đủ. Có biết bao điều ta muốn bày tỏ cho người ta yêu – những điều ta mong người ấy thấu hiểu – những yêu thương, oán giận, xót xa, giày vò tự sâu thẳm trái tim ta – nhưng không ngôn từ nào đủ sâu sắc, trọn vẹn lý tình, không ngữ pháp nào đủ phức tạp để diễn tả. Từ ngữ lúc ấy thậm chí còn có bộ mặt phản trắc vì sự đa nghĩa của chúng. Và chúng ta hiểu sai, chúng ta bị hiểu sai. Chúng ta như đi trong rừng rậm của những ý niệm đan chồng chéo lên nhau. Bao nhiêu cuộc tình đã và sẽ còn diễn ra theo cách đó? Không phải sự thấu cảm cạn dần theo tình yêu mà là ngược lại, tình yêu cạn dần theo sự thấu cảm.
Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau. Đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh “Ngôn ngữ là cội nguồn của mọi ngộ nhận.”
Và buồn thay, đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi.